Ý nghĩa sâu sắc từ những món ăn ngày Tết của người Nhật Bản

Dịp Tết là khoảng thời gian quan trọng nhất đối với người dân Nhật Bản. Khoảng thời gian này, mọi người cùng nhau quây quần chuẩn bị những món ăn ngày Tết thơm ngon và ấm cúng cho đêm giao thừa đoàn viên hạnh phúc. Cùng CoCo Ichibanya khám phá những ý nghĩa sâu sắc trong món ăn ngày Tết của xứ phù tang nhé!

1 Osechi Ryori – Món ăn ngày tết truyền thống Nhật Bản 

Osechi ( お節料理) trước đây được gọi là Gosechiku, những vật phẩm dâng lên thần linh vào ngày Ngũ tiết hằng năm. Bắt đầu từ thời Edo được trở nên phổ biến hơn trong dịp lễ tết, được gọi là Osechi Ryori và trở thành bữa ăn truyền thống của người Nhật dành riêng cho những ngày đầu năm mới. 

Osechi là bữa ăn bao gồm rất nhiều món sặc sỡ màu sắc nhau đựng trong chiếc hộp sơn mài nhiều tầng gọi là Jubako. Người Nhật Bản có một câu chuyện độc đáo về chiếc hộp sơn mài Jubako đó là nếu đựng những món ăn ngày tết trong chiếc hộp này thì sẽ mang lại nhiều niềm may mắn và hạnh phúc cho năm mới. Vì Osechi chính là những món ăn dâng lên các vị thần năm mới và được xem như một loại bùa may để mong cầu hạnh phúc cho gia đình. Vậy nên việc đặt các món ăn cầu may này trong chiếc “Jubako” – sẽ còn mang ý nghĩa “May mắn chồng may mắn” và “Hạnh phúc chồng hạnh phúc”.

Thông thường, một hộp Jubako truyền thống sẽ gồm có 4 khay, mỗi khay sẽ chứa những món ăn tượng trưng cho một điều chúc khác nhau:

Ichi no Ju: khay đầu tiên trong cỗ tết Osechi chính là những món ăn để thưởng thức cùng rượu như Kuromame (đậu đen bung), Kazunoko (trứng cá trích muối), Tazukuri (cá sấy)… thay cho lời chúc năm mới an lành.

Ni no Ju: khay thứ hai sẽ tập trung vào những món ngọt dịu như Kobumaki (rong biển cuộn), Kurikinton (bánh làm từ hạt dẻ), Datemaki (trứng cuộn)…

San no Ju: món chính của khay này là những đồ nướng với nguyên liệu hải sản như tôm, cá, mực… tượng trưng cho ý nghĩa “Niềm hạnh phúc từ biển”.

Yo no Ju: bao gồm những món kho từ nguyên liệu rau củ như hạt sen, củ sen, nấm, cà rốt,… tượng trưng cho ý nghĩa “Niềm hạnh phúc từ núi”.

2 Ý nghĩa của những món ăn ngày tết trong bữa ăn Osechi

1 Datemaki – Trứng cuộn

Món này được làm bằng cách thêm trứng đánh và nước dùng Dashi vào chả cá thịt trắng hoặc chả tôm rồi trộn đều, sau đó tẩm vị bằng cách cho thêm rượu Mirin và đường, cuối cùng là đem đi nướng. Vì ngọt và dễ ăn nên món này rất được yêu thích bởi trẻ con, trứng Datemaki sau khi chiên vừa tới sẽ được cuộn tròn lại thành từng lớp và cắt khoanh để thưởng thức. Hình dáng nổi bật của những miếng trứng cuộn khiến nhiều người liên tưởng đến những cuộn văn thư được sử dụng ở Nhật vào ngày xưa, do đó, Datemaki là một món ăn tượng trưng cho “hi vọng may mắn, thành công trong học vấn”


2 Kazunoko  – Trứng cá trích

Một túi trứng cá trích sẽ chứa đựng vô số trứng cá con, nên món này tượng trưng cho ý nghĩa “con cháu đầy nhà”, “gia đình hạnh phúc”. Có 2 loại là trứng cá trích muối (gọi là “Shio Kazunoko”) và trứng cá trích phơi khô cho đến khi chúng dính chặt vào nhau thành một khối (gọi là “Hoshi Kazunoko”).

3 Tataki Gobo – Rễ cây ngưu bàng

Tataki Gobo là món rễ cây ngưu bàng luộc, sở hữu vị thanh dễ chịu và rất giòn, ăn rất cuốn hút. Người dân Nhật Bản quan niệm rằng rễ cây ngưu bàng phát triển mạnh mẽ trong lòng đất nên được coi là biểu tượng của “sự trường thọ”, thể hiện mong muốn “sống lâu trăm tuổi”. Ngoài ra, hình ảnh rễ cây ngưu bàng cắm sâu vào đất cũng mang ý nghĩa “gia đình an cư, yên ổn”. 

4 Kuri Kinton – Khoai lang hạt dẻ

Kuri Kinton là một món ngọt kết hợp giữa hạt dẻ đã được ninh ngọt cùng khoai lang nghiền nhuyễn. Là một món ăn ngày tết rất được yêu thích, đặc biệt hơn, màu vàng của món Kuri Kinton làm người ta liên tưởng đến vàng bạc nên đây là món ăn ngày tết tượng trưng cho sự phồn thịnh, giàu có. Ngoài dịp Tết, Kuri Kinton cũng được ăn như một món Wagashi – món ngọt truyền thống Nhật Bản.


5 Namasu – Salad cà rốt, củ cải

Kohaku Namasu là món đồ chua được làm từ cà rốt và củ cải trắng cắt sợi rồi ngâm với giấm đường. Món này có vị chua chua ngọt ngọt rất hấp dẫn. Ở Nhật, màu trắng kết hợp cùng màu đỏ là biểu tượng của điều tốt lành nên đây là món ăn chứa đựng mong muốn bình an, may mắn. Người Nhật thường nói rằng sở dĩ cà rốt và củ cải trắng được cắt sợi là để tái hiện hình ảnh những sợi dây buộc trên những phong bì chúc phúc ở Nhật (gọi là “Mizuhiki”).

6 Kamaboko – Chả cá

Kamaboko là chả cá được làm từ các loại cá thịt trắng như cá tuyết. Nếu sống ở Nhật Bản, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp món ăn ngày tết này. Phần màu hồng tượng trưng cho “sự may mắn”, “xua đuổi âm khí tà ma”, còn phần màu trắng tượng trưng cho “sự linh thiêng” và “sự thuần khiết”. Hình dạng nửa vòng tròn của Kamaboko giống như hình ảnh mặt trời mọc, tượng trưng cho “bình minh ngày đầu năm mới”.

7 Chikuzenni/Nishime – Món ăn om rau củ

Chikuzen-ni là một món ăn ngày tết được chế biến bằng cách hầm, món ăn sẽ có vị mặn và ngọt dịu được làm bằng cách xào các nguyên liệu như thịt gà, cà rốt, củ sen, rễ cây ngưu bàng, bột khoai Konnyaku… rồi nấu với đường và nước tương. 

8 Ebi no Umani – Tôm hầm

Món tôm được ninh  với các gia vị đặc trưng của Nhật (như nước dùng Dashi, rượu nấu ăn, rượu Mirin, nước tương, đường…). Hình ảnh râu dài và lưng cong của tôm được xem là biểu tượng của những người sống thọ. Chính vì vậy mà món ăn này chứa đựng lời chúc cho “sự trường thọ”.

9 Tazukuri  – Cá mòi rang bọc sốt ngọt

Tazukuri là một món ăn ngày tết sở hữu vị mặn ngọt được làm bằng cách rim cá mòi nhỏ đã phơi khô cùng với nước tương, rượu Mirin, đường… Món Tazukuri trong Osechi Ryori thể hiện mong muốn “mùa màng bội thu”, “ngũ cốc dồi dào”. Ở một số địa phương của Nhật, món này còn được gọi là “Gomame”.

10 Kuromame  – Đậu đen ninh

Kuromame là món đậu đen được ninh rất ngọt vậy nên đây là món ăn rất được trẻ con yêu thích. “Mame” trong tiếng Nhật vừa có nghĩa là “hạt đậu”, vừa có nghĩa là “sinh lực, cường tráng, khỏe mạnh”. Ngoài ra cũng có những cách chơi chữ như “Mame ni hataraku” (làm việc siêng năng), “Mame ni kurasu” (sống thanh đạm) cho thấy người Nhật coi trọng lối sống chăm chỉ, giản dị. Từ ngày xưa, Kuromame đã là món ăn không thể thiếu trong Osechi Ryori.


3 Các món ăn ngày tết hấp dẫn khác

1 Ozoni (phong cách Kanto)

Ozoni là một món canh nấu cùng bánh gạo mochi, nước dùng Dashi, thịt gà và rau bina, được ăn vào mỗi dịp năm mới của người Nhật Bản. Đây là một món ăn ngày tết bổ dưỡng và thơm ngon. Có hai cách nấu Ozoni là phong cách Kanto và phong cách Kansai. Phong cách Kanto được chuộng ở những nơi xung quanh Tokyo, Ozoni được nấu với bánh gạo dày hình vuông, trong khi các tỉnh xung quanh chuộng “style Kansai” sử dụng bánh gạo tròn và nước dùng Miso


2 Toshikoshi Soba

Món ăn ngày tết mừng đón năm mới tốt đẹp và nhiều may mắn bằng một bát mì soba nóng hổi – một món mỳ truyền thống của Nhật Bản được biết đến với tên gọi là Toshikoshi Soba. Đây đơn giản là một món mỳ dễ làm, bổ dưỡng cho sức khỏe, chứa đựng quan niệm những khó khăn, vất vả hay những điều chưa tốt ở năm cũ sẽ trôi đi, mang lại nhiều may mắn cho bạn về hành trình trong năm mới thành công tốt đẹp hơn.

Món mì soba được phục vụ vào đêm giao thừa này thường được nấu với công thức ở dạng đơn giản nhất – mì soba kiều mạch được phục vụ trong nước dùng dashi nóng với hành lá xắt nhỏ. Nhưng cũng có thể  được gia tăng thêm phần topping cho món mỳ như thêm tempura, chả cá hoặc một quả trứng sống (mình thích điều này, giúp tăng thêm vị béo ngậy cho nước dùng

3 Bánh Kagamimochi

Trong bữa ăn đầu tiên chào năm mới, người Nhật không thể thiếu chiếc bánh kagamimochi – món ăn ngày tết truyền thống. Trong tín ngưỡng và văn hoá của người Nhật, kagamimochi được coi là vật liên kết giữa con người với các thần linh. Người Nhật tin rằng, chỉ cần mọi người cùng nhau chia sẻ và ăn kagamimochi, các thần linh sẽ ban phước cho họ một năm mưa thuận gió hoà và ngập tràn may mắn. Do đó, kagamimochi là những chiếc bánh dày rất quý, là vật dâng cúng thần linh.

Kagamimochi có hình dáng của những chiếc bánh dày xếp chồng lên nhau. Hình dạng tròn của chiếc bánh giống với hình dạng của chiếc gương đồng thời xưa, nên mới có tên là kagamimochi. Ngoài ra, hình dạng tròn của bánh kagamimochi tượng trưng cho cuộc sống gia đình sung túc, viên mãn. Và hình ảnh xếp chồng lên nhau thể hiện niềm vui, may mắn “chồng chất”, “niềm vui nối tiếp niềm vui”. Trong ngày lễ đón năm mới của người Nhật Bản, bạn sẽ thấy có rất nhiều bánh kagamimochi. Người dân trang trí kagamimochi thật đẹp thể hiện lòng biết ơn với các đấng thần linh vì đã ban cho họ một năm bình an. Đây là nét đẹp phong tục đã ăn sâu trong tiềm thức người dân Nhật Bản. Và ngày 11/1 được coi là ngày “kagamihaki”- ngày khai bánh, ăn bánh kagamimochi. 

CoCo Ichibanya Việt Nam – Thương hiệu Cà ri hàng đầu Nhật Bản
icon-mes